top of page

Làm thế nào để phân biệt giữa các loại tiếng Anh khác nhau?

Khi học tiếng Anh chúng ta đã nghe nhiều về giọng Anh – Anh và giọng Anh – Mỹ. Một số người cho rằng giọng Anh – Anh rất “sexy”, trong khi đó, nhiều người khác lại ưa giọng Mỹ bởi tính đơn giản và dễ nghe của nó. Tuy nhiên, bạn có biết rằng trên thế giới có gần 100 quốc gia và lãnh thổ sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính thức. Điều đó có nghĩa rằng, tiếng Anh sẽ mang tính vùng miền, hay là tiếng Anh sẽ bị thay đổi ít nhiều do bị ảnh hưởng từ văn hoá, lịch sử và từ các ngôn ngữ khác. Ngoài Anh-Anh, Anh-Mỹ, chúng ta còn có thể bắt gặp Anh-Ấn, Anh-Úc, Anh-New Zealand,…

Trước hết chúng ta hãy cùng nhìn qua một số điểm khác biệt cơ bản giữa hai kiểu tiếng Anh phổ biến nhất đã nhé!


1. TIẾNG ANH CỦA NGƯỜI ANH VÀ NGƯỜI MỸ




Tiếng Anh ở vùng Bắc Mỹ (North American English) là tiếng Anh mà người Mỹ và Canada sử dụng. Còn British English là tiếng Anh-Anh và được nói bởi người Anh.


+ Khác biệt về chính tả

Về mặt chính tả thì người Mỹ viết khác hẳn so với các biến thể tiếng Anh khác. Còn chính tả của tiếng Anh Canada lại là sự giằng co giữa Anh và Mỹ – họ viết jail (theo kiểu Mỹ) nhưng centre (theo kiểu Anh), analyze (theo kiểu Mỹ) nhưng colour (theo kiểu Anh).

Vậy thì Anh-Anh và Anh-Mỹ khác nhau ở những điểm nào về chính tả?

  • Các từ kết thúc bằng “-or” trong Anh – Mỹ thì thường kết thúc bằng “-our” trong tiếng Anh – Anh. Ví dụ như:

    • color (American) — colour (British)

    • honor (American) — honour (British)


  • Những từ kết thúc bằng “-ize” trong Anh-Mỹ thì trong Anh-Anh sẽ dùng “-ise”

    • organize (American) — organise (British)

    • recognize (American) — recognise (British)


  • Có một số từ với Anh-Anh được kết thúc bởi “-re” thì Anh-Mỹ lại dùng “-er”. Như theatre – theater, centre – center, metre – meter.

  • Trong cách dùng của người Anh, những từ có từ 2 âm tiết trở lên và kết thúc bằng “l” sẽ được nhân đôi chữ “l” khi đứng trước các đuôi -ed, -ing, -ist, -ize và -ise. Ví dụ levelled, quarrelled, travelled, cancelled. Trong khi đó, nguyên tắc mà người Mỹ áp dụng là chỉ nhân đôi l nếu từ đó có trọng âm rơi vào âm tiết cuối. Cụ thể, “travelled” sẽ được viết là “traveled”, nhưng vẫn sẽ viết là “annulled, controlled, patrolled hay extolled” vì những từ này có trọng âm rơi vào âm tiết sau.




+ Khác biệt về phát âm

  • Một điểm khác biệt nữa là người Mỹ có xu hướng bật hết những âm “r” xuất hiện trong từ khi phát âm, còn người Anh lại thường bỏ đi nếu chúng nằm cuối từ. Cách phiên âm của “car” trong Anh-Mỹ và Anh-Anh lần lượt là /kɑːr/ – /kɑː/.

  • Trong khi người Anh phát âm chữ “t” rõ ràng và chính xác thì người Mỹ lại phát âm nhẹ hơn, và có xu hướng thay thế “t” bằng “d”. Ví dụ như “water” được người Mỹ phát âm là “wa-der”, “letter” thành “led-er”.

  • Người Mỹ còn có xu hướng bỏ qua phụ âm của một từ để có thể nói nhanh và dễ dàng hơn, ví dụ:“mountain” được nói như “moun-n” – “tai” bị bỏ qua không bật âm.


2. TIẾNG ANH SCOTLAND

Tất nhiên không phải lúc nào chúng ta cũng gặp được người Scotland và trò chuyện cùng họ. Nhưng thường thì người Scotland sẽ chêm thêm một số từ trong tiếng Scots khi nói tiếng Anh. Và đấy cũng là lý do chúng ta gọi ngôn ngữ độc đáo này là Scottish English. Việc kết hợp giữa hai thứ tiếng khi nói gây bối rối cho không ít người khi trò chuyện lần đầu với những người bạn đến từ Scotland.


+ Về phát âm

Mặc dù ở Scotland, người ta nói tiếng Anh khá khác nhau tuỳ thuộc vào vị trí địa lý và địa vị xã hội, nhưng chúng ta vẫn có thể dễ dàng nhận ra một số đặc điểm chung nổi bật về mặt phát âm tiếng Anh Scottish như:

  • Tiếng Anh Scottish thuộc giọng Rhotic nghĩa là âm /r/ luôn được phát âm rõ ràng và đóng vai trò rất quan trọng trong việc phân biệt từ này với từ kia.

  • Trong hầu hết trường hợp, tiếng Anh mà người Scotland sử dụng sẽ không có sự khác biệt giữa /æ/-/ɑː/, cho nên các nguyên âm trong các từ như “bath”, “trap” và “palm” nghe sẽ như nhau.

+ Về từ vựng

  • Một số thành ngữ đặc trưng mà người Scotland thường dùng trong tiếng Anh (đặc biệt là văn nói):

    • I’m feeling quite drouthy = “I’m feeling quite thirsty”(Tôi thấy hơi khát nước)

    • It’s a fair way to Skye from here = “It’s a good distance to Skye from here” (Từ đây đến Skye khá xa đấy)

    • His face is tripping him meaning = “He’s looking fed up” (Anh ta nhìn có vẻ chán nản lắm)

    • Ach, away ye go! = “Oh, I don’t believe you” (Ồ, tao không tin mày đâu)


  • Ngoài ra, do mượn từ tiếng Scots nên tiếng Anh ở đây có một số từ vựng khá đặc biệt, ví dụ như:

    • Wee = small

    • Bonnie = pretty, attractive

    • Pinkie = little finger

    • Bairn = child


  • Thêm ‘-ie” vào cuối một danh từ để chỉ những thứ bé, nhỏ: laddie/ lassie = young boy, girl, bairn = bairnie, a small shop = a wee shoppie.

  • Sử dụng “how” thay cho “why” cũng là một đặc trưng của tiếng Anh Scottish, vùng miền Bắc nước Anh và cả tiếng Anh Irish. “Why not” = “How no”

3. TIẾNG ANH IRISH



Khác với giọng Scotland có xu hướng sử dụng rất nhiều từ mượn của tiếng Scots, người (Ireland) khi nói tiếng Anh sử dụng rất nhiều từ vựng từ gốc Gaelic.

+ Về ngữ pháp:

  • Cũng giống như Scotland, ở Ireland, thay vì dùng “to have just done” để diễn tả một hành động vừa mới hoàn thành thì người Ireland sẽ sử dụng “to be after doing”. Ví dụ: I’m after finding a euro on the road! (Tao vừa nhặt được một đồng euro trên đường này)

  • Một điểm khá thú vị nữa là hai từ “yes” và “no” rất ít khi được sử dụng. Ngày nay, với xu hướng toàn cầu hoá, thế hệ trẻ tuổi ở Ireland đã bắt đầu sử dụng hai từ này nhiều hơn trước đó. Song bạn vẫn dễ dàng bắt gặp rất nhiều người vẫn không “chịu” dùng hai từ “yes”/ “no” này để trả lời một câu hỏi. Thay vì dùng “yes”/ “no”, họ sẽ nhắc lại cụm động từ có trong câu hỏi. Chẳng hạn như: “Can you swim? I can! Do you like tomato juice? I don’t. Are you coming? I amn’t.”



Về phát âm:

Thường thì trong nhiều từ vựng, nguyên âm “U” sẽ được phát âm là /ʌ/. Nhưng nếu bạn lang thang ở Dublin một ngày đẹp trời, có khả năng là người dân ở đây sẽ chẳng hiểu gì khi bạn hỏi “where is the bus /ˈbʌs/ stop?”. Bởi ở Ireland, cụ thể là ở Dublin, chữ “u” như trong “bus stop” sẽ được phát âm thành /bʊs/ . Tương tự như vậy thì “thank you very much” sẽ được phát âm là /tʌŋk juː vɛri: mʊtʃ/, “cup” /cʊp/ chứ không phải là a /cʌp/ of tea, và /dʊblin/ chứ chẳng phải /dʌbli:n/.


4. TIẾNG ANH ÚC


Tiếng Anh Úc thừa hưởng các đặc trưng và quy tắc từ tiếng Anh Mỹ và Anh Anh. Tuy nhiên có một số điểm khá độc đáo mà chúng ta có thể tìm hiểu về ngôn ngữ này

+ Về phát âm:

  • Một trong những đặc điểm dễ nhận thấy nhất trong cách người Úc phát âm là họ sẽ phát âm chữ “i” trong các từ như “night”, “like” thành “oi” chứ không phải “ai” (eg. noight)

  • Chữ “a” mềm như trong các từ “cat”, “hat” thường được phát âm tương tự như “eh”, nghĩa là “cat” sẽ nghe như “ceht” và “hat” sẽ nghe là “heht”.

  • Trong khi đó âm “a” cứng như trong các từ “day”, “way”, “mate” lại nghe tương tự như cách người Anh nói từ “aye”. Nghĩa là, từ “mate” sẽ nghe như “m-aye-te”.

  • Ngoài ra, cũng giống như Anh Anh, tiếng Anh Úc dùng kiểu ngôn ngữ “non-rhotic”, nghĩa là âm /r/ thường được bỏ qua nếu nó đứng sau một nguyên âm và đứng trước phụ âm. Chẳng hạn như từ “card” thì sẽ được phát âm là /ca:d/, âm /r/ được bỏ qua. Trong khi đó, các âm cuối của những từ như “better”, “water”, “river” lại được phát âm thành /ah/. Nghĩa là chúng ta sẽ nói “bett-ah”, “wat-ah”, “riv-ah”,...


+ Về từ vựng:

  • Mặc dù bị ảnh hưởng nhiều bởi Anh-Anh song thi thoảng chúng ta sẽ thấy nhiều từ người Úc mượn từ vựng từ Anh Mỹ. Ví dụ như người Úc thường nói “soccer” thay vì “football”, hay sử dụng “pants” thay cho “trousers”.

  • Thường người Úc sẽ bớt những âm sau âm đầu tiên của từ và thêm ‘o’ hay ‘ie’ vào. Ví dụ “breakfast” trở thành “brekkie”, “barbeque” trở thành “barbie”, “university” thành “uni”, “Australian” thành “Aussie”, “garbage collectors” trở thành “garbos” và “politicians” thành “pollies”.

  • Ngoài ra cũng có một số cụm từ mà bạn có thể dùng khi trò chuyện với những người bạn đến từ Úc như:

    • G’day mate = Good day, friend

    • Cheers mate = Thanks

    • Oi! = Hey!

    • Hoo roo/Oooroo = Goodbye

    • Sweet = Great

    • Grab a feed = Get something to eat

    • Yank = An American

    • Kiwi = A New Zealander

    • Pom/Pommy = An Englishman (Những ai không phải người Úc mà nói từ này thì sẽ nghe như là một sự xúc phạm).

    • No worries = You’re welcome


5. TIẾNG ANH NEW ZEALAND


Cũng giống như Australia, mặc dù người Kiwi chịu ảnh hưởng không nhỏ từ các biến thể như tiếng Anh Úc, Anh Scottish, Anh Irish, nhưng tiếng Anh của New Zealand cũng có kha khá những cụm từ mà bạn khó có thể bắt gặp nếu chưa một lần đến thăm hai đất nước châu Đại Dương xinh đẹp này.

+ Về từ vựng

Dưới đây là một số từ vựng mà bạn chỉ có thể bắt gặp khi ở New Zealand:

  • Jandals (Flip flops)

  • Chilly bin (Một đồ vật dùng để giữ mát đồ uống)

  • Sweet as ( No problem/alright)

  • Hardout (Dùng để bổ nghĩa cho tính từ — “It’s hardout hot today!” nghĩa là “It’s very hot today!”)

  • Lollies: sweets or candies.(Kẹo)

  • Stoked: very pleased.(Rất vui mừng)


+ Về phát âm

  • Ở New Zealand, chữ “o” thi thoảng sẽ nghe như “oi” trong từ “boy”. Ví dụ như “hello” sẽ nghe như “helloi”, “I know” lại nghe như “I noi”.

  • Trong khi đó, chữ cái “e” lại được kéo dài hoặc phát âm như chữ “i” của Anh Mỹ. “Yes” sẽ nghe là “yeees”, và “again” có thể nghe như “ageen”.

  • Hơn nữa, với chữ “i” thì người Kiwi lại phát âm như “u” trong từ “cup”. Nghĩa là “fish and chips” sẽ nghe thành “fush and chups”

 
 
 

Comments


bottom of page